Trang chủ  |  Đảng  |  Công đoàn  |  Đoàn thanh niên  |  Diễn đàn  |  Liên hệ  |  Weblink  |  Góp ý  |  English   
 Phương châm hoạt động của Công ty là “Chất lượng là cơ sở và điều kiện cho sự phát triển bền vững”
1. Xây dựng, thực hiện, duy trì và không ngừng cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001: 2015 nhằm chứng minh năng lực của Công ty trong việc cung cấp một cách nhất quán các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng yêu cầu khách hàng và yêu cầu của Luật định.
2. Luôn đảm bảo sẵn có các nguồn lực cần thiết để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh. Thường xuyên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chất lượng máy, thiết bị, cơ sở hạ tầng; chất lượng tri thức trong doanh nghiệp và môi trường làm việc để nâng cao năng lực cạnh tranh.
3. Thúc đẩy các cơ hội nâng cao thỏa mãn khách hàng; giải quyết các rủi ro và cơ hội liên quan đến mục tiêu và hoạt động chung của Công ty và khả năng chứng tỏ sự phù hợp với các yêu cầu quy định của hệ thống quản lý chất lượng.
4. Tất cả người lao động trong Công ty đều hiểu rõ và có ý thức, trách nhiệm thực hiện đúng các quy chế, quy định, quy trình, thủ tục và các yêu cầu của hệ thống quản lý chất lượng.
CỔNG THÔNG TIN TMN

  

Năm 2015

  

Năm 2016

  

Năm 2017

  

Năm 2018

  

Năm 2019

  

Năm 2020

  

Năm 2021

  

Năm 2022

  

Năm 2023
Download phần mềm
Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo - hành lang pháp lý quan trọng tạo bước đột phá trong quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo Việt Nam
25/6/2015 9:14:00 AM
 
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, góp ý, hoàn chỉnh và dự kiến sẽ thông qua dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Dự án Luật này lần đầu tiên “luật hóa” quy định về phương thức quản lý mới trên biển là “quản lý tổng hợp”. Phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo giúp khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý theo ngành, lĩnh vực; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển và hải đảo; thống nhất các hoạt động quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo phát triển bền vững biển và hải đảo.Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và xét điều kiện Việt Nam, dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được xây dựng tập trung quy định các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, bao gồm các chiến lược, quy hoạch, chương trình, hệ thống thông tin, dữ liệu... không quy định về quản lý, khai thác, sử dụng loại tài nguyên biển cụ thể. Chính vì vậy, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo không chồng chéo với các luật chuyên ngành. Các công cụ này cùng với quy định về Quy hoạch sử dụng biển trong Luật biển Việt Nam (là một trong những công cụ quan trọng để quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển) và quy định của Luật Bảo vệ môi trường sẽ tạo thành hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc năm 1982 về Luật biển và các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo
Việt Nam có chiều dài đường bờ biển trên 3.260 km, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng gấp khoảng ba lần diện tích đất liền, chứa đựng nhiều hệ sinh thái quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Mặc dù trong những năm qua, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, do tài nguyên biển và hải đảo chủ yếu đang được quản lý theo ngành, lĩnh vực nên việc khai thác, sử dụng chưa dựa trên việc phân tích các chức năng của mỗi vùng biển một cách tổng thể; còn thiếu sự gắn kết, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên trên cùng một vùng biển. Mặt khác, các hoạt động trên biển có mối liên hệ, tác động nhất định đến nhau, cùng với tính chất liên thông của biển thì trong một số trường hợp, quản lý theo ngành, lĩnh vực với đặc điểm luôn tối đa hóa lợi ích của ngành, lĩnh vực mình mà không xem xét vấn đề khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo một cách tổng thể đã làm hạn chế sự phát triển chung, thiếu sự hài hòa lợi ích của các ngành, lĩnh vực; làm suy thoái nhiều loại tài nguyên, nhất là tài nguyên tái tạo; tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo có chiều hướng gia tăng; nhiều hệ sinh thái biển và hải đảo quan trọng đã bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn tới sự nghèo nàn của nguồn lợi thủy sản.
Trước tình hình đó, ngày 6 tháng 3 năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Tuy nhiên, đến nay, qua hơn 6 năm thực hiện, hiệu quả thực hiện của Nghị định này còn hạn chế, Nghị định số 25/2009/NĐ-CP chưa thể chế hóa được đầy đủ nội hàm của công tác quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo do tính pháp lý thấp nên không thể định hướng, điều phối được các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đã được các luật chuyên ngành quy định.
Thế kỷ 21 là Thế kỷ của Đại dương. Trong xu hướng tiến ra biển của cả thế giới khi nguồn tài nguyên trong đất liền ngày càng cạn kiệt, để quản lý và phát huy lợi thế, tiềm năng của biển, tăng cường và tập trung được nhân lực và khoa học kỹ thuật để tiến sâu vào lòng đất dưới đáy biển và tiến xa ra biển, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra các chủ trương, chính sách quan trọng. Điều đó đặc biệt được thể hiện tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Để thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, từng bước hoàn thiện pháp luật để quản lý tài nguyên biển và hải đảo bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả, duy trì chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái nhằm phát triển bền vững, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh thì yêu cầu bức thiết cần phải nhanh chóng xây dựng, ban hành các quy định về phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo với tầm pháp lý đủ mạnh để triển khai một cách có hiệu quả.
Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo - phương thức quản lý tiên tiến, hiệu quả
Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo ra đời trong bối cảnh con người đứng trước những thách thức môi trường không lường trước được, yêu cầu phải có tầm nhìn sâu rộng hơn để đề ra các giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu của quản lý biển và đại dương. Năm 1965, chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ đầu tiên trên thế giới được tiến hành tại Hoa Kỳ và đến năm 1972, Hoa Kỳ đã ban hành Luật quản lý tổng hợp vùng bờ. Đến những năm 90, phương thức này gần như được phổ biến trên thế giới, được thông qua là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình Nghị sự 21 của Liên Hợp quốc về “Môi trường và Phát triển” năm 1992 tại Brazil. Đến năm 2002, đã có 145 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện 622 chương trình hoặc dự án quản lý tổng hợp vùng bờ. Hiện nay, nhiều quốc gia có biển trên thế giới đã áp dụng phương thức quản lý này có hiệu quả (như Hoa Kỳ, Ca-na-đa, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a, Nam Phi, Úc, các nước EU…).
Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo là phương thức quản lý theo phương châm không làm thay quản lý ngành, lĩnh vực mà đóng vai trò điều phối, phối hợp các hoạt động quản lý ngành, lĩnh vực nhằm quản lý có hiệu quả hơn các hoạt điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo. Phương thức quản lý tổng hợp có vai trò điều chỉnh hoạt động của con người để bảo vệ tính toàn vẹn về chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái, duy trì và cải thiện năng suất của hệ sinh thái, qua đó, bảo đảm tài nguyên biển được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, môi trường biển được bảo vệ; hài hòa được lợi ích của các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.
Những nội dung cơ bản của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo
Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Khóa XIII gồm 10 chương, 81 điều tập trung quy định cụ thể về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo.
Những nội dung, vấn đề quan trọng của quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo được ghi nhận, thể chế, “Luật hóa” quy định là: chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ; chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; phân vùng rủi ro ô nhiễm biển và hải đảo; quản lý tài nguyên hải đảo; cấp giấy phép nhận chìm ở biển; hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp, thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;...
Trong đó có nhiều nguyên tắc, chế định quan trọng lần đầu tiên được ghi nhận, quy định trong pháp luật Việt Nam như nguyên tắc: quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển; quy định về: hành lang bảo vệ bờ biển; phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ; quản lý tài nguyên hải đảo; phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; cấp Giấy phép nhận chìm ở biển…
Việc thực hiện tốt phương thức quản lý tổng hợp với các công cụ, cơ chế, nguyên tắc, quy định nêu trên sẽ bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững; huy động được tối đa các nguồn lực đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong việc kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, đồng bộ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Các quy định của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cùng với quy định về Quy hoạch sử dụng biển trong Luật biển Việt Nam (là một trong những công cụ quan trọng để quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo) và quy định của Luật bảo vệ môi trường sẽ tạo thành hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, phù hợp với Công ước của Liên Hợp quốc năm 1982 về Luật biển và các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Khi Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được Quốc hội thông qua và triển khai thực hiện các công cụ, cơ chế, chính sách, nguyên tắc được quy định trong Luật sẽ giúp khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý theo ngành, lĩnh vực; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển và hải đảo; thống nhất các hoạt động quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo từ trung ương đến địa phương, đảm bảo phát triển bền vững biển và hải đảo; là hành lang pháp lý quan trọng tạo bước đột phá trong quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo ở nước ta, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển./.
                                                                                   Nguyễn Thanh Tùng - Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế
                                                                             Nguyễn Lê Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo
                                                                                                   Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam
Nguồn: Website Bộ TNMT
 
Các tin khác
  Công ty TN&MT miền Nam tổ chức Hội nghị đại biểu người lao động 2024
  Danh sách Tiến sĩ, Phó Giáo sư, Giáo sư của Bộ Tài nguyên và Môi trường
  Chủ tịch Quốc hội: Nghiên cứu xuất bản sách “Luật Đất đai – Hỏi và Đáp” để phổ biến, tuyên tuyền pháp luật
  Bước khởi đầu, thí điểm cho chính sách nhà ở toàn dân
  Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh: Bộ Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng đón nhận ý kiến đóng góp của các nhà khoa học
  Chào năm mới 2024
  Đông Nam Bộ sẽ là nơi thí điểm cơ chế, chính sách cần đổi mới, tạo đột phá
  NGÀY HỘI VIỆC LÀM VÀ TRIỂN LÃM DOANH NGHIỆP LẦN II - NĂM 2023
  Ứng dụng công nghệ GIT trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ
  Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Người lao động là tài sản vô giá của doanh nghiệp
  Khối thi đua số VI - Bộ Tài nguyên và Môi trường: Sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm 2023
  Đảng bộ Công ty TNHH MTV TN&MT miền Nam tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ
  Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh làm việc với các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT tại TP.HCM
  Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường Biểu dương 68 tập thể và cá nhân thực hiện tốt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
  Thủ tướng trao quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng TN&MT cho ông Đặng Quốc Khánh
  Công ty TN&MT miền Nam có thêm Phó Tổng Giám đốc
  Công ty TN&MT miền Nam: Hoàn thành toàn diện kế hoạch kinh doanh năm 2022
  Khối thi đua số VI, Bộ TN&MT: Thi đua tạo động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị
  Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Lắng nghe ý kiến để hoàn thiện Luật Đất đai sửa đổi đáp ứng kỳ vọng của Nhân dân
  Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp giao ban công tác Quý I/2023 của Bộ TN&MT
22/04/2024 có 1 văn bản mới
VP : 1 (VB)
Tên đăng nhập  
Mật khẩu  
 
LỊCH CÔNG TÁC TUẦN
Cập nhật:Thứ 4 lúc 08:25 24/4
THÔNG TIN CẦN BIẾT
   Thời tiết
   Tỷ giá ngoại tệ
   Giá vàng
Công ty TNHH MTV Tài nguyên và Môi trường miền Nam
Số 30, đường số 3, khu phố 4, phường An Khánh, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.37408111, 028. 37415512, Fax: 028.37408538     Email:     tmn@monre.gov.vn
Copyright © 2006 CERS Software Group. All rights reserved