Trang chủ  |  Đảng  |  Công đoàn  |  Đoàn thanh niên  |  Diễn đàn  |  Liên hệ  |  Weblink  |  English   
 Thông qua việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000, tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty cam kết:
1. Không ngừng cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 để thoả mãn như cầu cao nhất của khách hàng. Tất cả người lao động trong công ty đều hiểu rõ và có ý thức, trách nhiệm thực hiện đúng các quy định, quy trình và hướng dẫn của hệ thống quản lý chất lượng.
2. Thường xuyên đầu tư đổi mới thiết bị, cộng nghệ; nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và quản lý.
3. Thực hiện tốt các công tác tuyển dụng và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển của công ty.
4. Môi trường làm việc luôn an toàn, thân thiện và hợp tác.
CÔNG NGHỆ
+ Việc phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, xã hội được coi là con đường nhanh nhất để rút ngắn thời gian thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây cũng chính là vấn đề đang được toàn Đảng, toàn dân hết sức quan tâm, khi mà khoa học – công nghệ đang từng ngày mở rộng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức trong thời đại mới, thời kỳ hội nhập.
+ Công ty TNHH MTV Tài nguyên và Môi trường Miền nam là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh, tư vấn, dịch vụ trong các lĩnh vực: Đo đạc cơ bản, đất đai, môi trường, bất động sản, xây dựng, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, địa chất, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, biển và hải đảo, kiểm định, kinh doanh thiết bị chuyên ngành. Thực hiện các kỹ thuật nông, lâm nghiệp. Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Dạy nghề và số lĩnh vực khác trên phạm vi cả nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật…
+ Công ty luôn xác định việc phát triển công nghệ thông tin là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là yếu tố quan trọng để phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế tri thức. Trong giai đoạn hiện nay, có thể thấy ảnh hưởng của sự bùng nổ khoa học công nghệ trong lĩnh vực đo đạc cơ bản, quản lý đất đai, tài nguyên nước và môi trường là rất rõ rệt. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ thông tin với các lĩnh vực khoa học công nghệ khác như: Hệ thống định vị toàn cầu (GNSS), công nghệ xử lý ảnh số, viễn thám, lidar, công nghệ chụp ảnh máy bay không người lái (UAV) và cả công nghệ điều tra mặt đất bằng kỹ thuật số…
+ Công ty là một trong số rất ít đơn vị chủ lực chuyên ngành trên toàn quốc trong lĩnh vực đo đạc bản đồ, chính vì vậy, việc thường xuyên nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất và quản lý là một trong ba mục tiêu chiến lược của Công ty để phát triển. Trong những năm qua lực lượng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật trong Công ty đã không ngừng học tập, nghiên cứu và áp dụng thành công nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới thuộc lĩnh vực đo đạc cơ bản, quản lý đất đai, đo Trọng lực, GIS, công nghệ thông tin, môi trường, quản lý doanh nghiệp... nhằm tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác quản lý. Công ty đã đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, quản lý tại Công ty và hợp tác nghiên cứu, ứng dụng với các đồng nghiệp, các đơn vị bạn, góp phần vào việc đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa, tự động hóa trong lĩnh vực đo đạc bản đồ, đo Trọng lực, quản lý đất đai, tài nguyên nước và môi trường.
  1.  MÁY THUỶ CHUẨN ĐIỆN TỬ

    Trong công tác đo đạc, việc dùng các loại máy thuỷ chuẩn quang cơ như: Ni004, Ni007 của hãng Zeis (CHDC Đức) và Wild N3 của hãng Wild (Thuỵ Sĩ) để xây dựng các lưới độ cao Quốc gia các cấp hạng theo công nghệ truyền thống trước đây luôn là công việc phức tạp, đòi hỏi phải đầu tư nhiều tiền của, thời gian và công sức, chúng ta đã phải mất một quãng thời gian khá dài từ năm 1960 đến năm 1991 mới cơ bản xây dựng được một hệ thống độ cao hạng 1, 2 thống nhất trong cả nước. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khách quan, mạng lưới đã xây dựng có những hạn chế nhất định ảnh hưởng đến độ chính xác và mức độ sử dụng do quy trình đo phức tạp, thời gian thi công kéo dài, dữ liệu đầu vào để xử lý bình sai thành quả không thống nhất.
    Đầu năm 2000, Công ty được Tổng cục Địa chính (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường) giao nhiệm vụ khẩn trương hoàn thiện mạng lưới độ cao Quốc gia hạng 1, 2 trong phạm vi cả nước và được chia thành 3 giai đoạn cụ thể như sau:
1. Giai đoạn 1: từ năm 2000 đến 2001 hoàn thiện lưới độ cao hạng 1, 2 khu vực Miền Trung.
2. Giai đoạn 2: từ năm 2001 đến 2002 hoàn thiện lưới độ cao hạng 1, 2 khu vực Miền Nam.
3. Giai đoạn 3: từ năm 2002 đến 2003 hoàn thiện lưới độ cao hạng 1, 2 khu vực Miền Bắc.
Với yêu cầu về thời gian như vậy nếu cứ áp dụng các quy trình đo và dùng máy thuỷ chuẩn quang cơ đo theo phương pháp cổ điển thì không thể hoàn thành được nhiệm vụ, do đó Công ty đã chủ động nhập một loạt máy thuỷ chuẩn điện tử DL-101C và bộ mia có dạng mã vạch do hãng TOPCON của Nhật chế tạo để đưa vào sản xuất.
Sau một thời gian đo thử nghiệm, với những kết quả và độ chính xác đã đạt được, Công ty đã xây dựng quy định kỹ thuật về đo độ cao hạng 1,2 bằng máy thuỷ chuẩn điện tử DL-101C và bộ mia có dạng mã vạch. Quy định đã được Tổng cục Địa chính (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường) chấp nhận và đưa vào sản xuất trong phạm vi cả nước (theo quyết định số 431/2001/QĐ-TCĐC ngày 13/11/2001).
    Năm 2009, Công ty được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao nhiệm vụ Xây dựng lưới độ cao hạng I, II quốc gia CamPuChia thuộc dự án “Khôi phục và hoàn thiện hệ thống mốc độ cao quốc gia CamPuChia” thi công từ năm 2009 đến 2010. Với yêu cầu thời gian gấp rút như vậy, ngoài việc sử dụng các loại máy thủy chuẩn điện tử đã được đầu tư và ứng dụng thành công tại các dự án trước, Công ty đã chủ động đầu tư thêm máy thủy chuẩn điện tử độ chính xác cao DNA03 và bộ mia invar có mã vạch do hãng Leica của Nhật để đưa vào sản xuất.
1.1. Ứng dụng cụ thể:
- Mạng lưới độ cao hạng 1, 2 Nhà nước: được xây dựng bao gồm 57 đường độ cao hạng 1, 2 với tổng chiều dài phải đo là 21.586,4 km, trong đó:
+ Hạng 1 có: 13 đường với chiều dài 11.326,6 km đơn trình và 1.211 điểm độ cao.
+ Hạng 2 có: 44 đường với chiều dài 10.259,8 km đơn trình và 1.117 điểm độ cao.
+ Kết quả là từ tháng 3 năm 2001 đến tháng 12 năm 2003, với tổng số nhân lực là trên dưới 200 người, Công ty đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Mạng lưới độ cao hạng I, II nước bạn CamPuChia: được xây dựng gồm 23 đường hạng I, II (có 3 đường hạng I đo từ Việt Nam sang) với tổng chiều dài 7.403,2 km, trong đó:
+ Hạng 1 có: 16 đường với chiều dài 5.350,6 km đơn trình và 641 điểm độ cao.
+ Hạng 2 có: 7 đường với chiều dài 2.052,6 km đơn trình và 216 điểm độ cao.
+ Kết quả là từ thàng 3 năm 2009 đến tháng 12 năm 2010 với tổng số nhân lực trên dưới 70 người, Công ty đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.
1.2. Kết quả ứng dụng:
Sau khi đo xong toàn bộ mạng lưới, các số liệu đo đã được các cấp kiểm tra nghiệm thu theo đúng quy định, tất cả các đường đo, vòng khép đều đạt độ chính xác theo yêu cầu của quy phạm.
Qua các kết quả tính sai số trung phương ngẫu nhiên và hệ thống, sai số khép đường, sai số khép vòng của các đường đo sử dụng máy thuỷ chuẩn điện tử và một số đường đo kiểm tra bằng máy quang cơ ta thấy các sai số tính được đối với các đường đo bằng máy điện tử đều nhỏ hơn nhiều so với các đường đo bằng máy thuỷ chuẩn quang cơ.
1.3. Kết luận:
Bằng những kết quả đã đạt được trong quá trình thi công, có thể rút ra những nhận xét về việc ứng dụng máy thuỷ chuẩn điện tử để xây dựng các mạng lưới độ cao Quốc gia như sau.
- Đo độ cao hạng 1, 2 bằng máy thuỷ chuẩn điện tử và bộ mia dạng mã vạch đạt độ chính xác cao, đảm bảo mọi yêu cầu kỹ thuật quy phạm.
- Rút ngắn thời gian thi công, giảm đáng kể công việc xử lý tính toán tổng hợp số liệu (số liệu đo được ghi thành các file).
- Quy trình đo đơn giản, không đòi hỏi người sử dụng phải tuân theo quá nhiều công đoạn thao tác phức tạp như các loại máy thuỷ chuẩn quang cơ.
- Khắc phục được những lỗi thông thường và một số hạn chế của các loại máy thuỷ chuẩn quang cơ thường mắc phải.
Nhìn chung, việc ứng dụng máy thuỷ chuẩn điện tử với bộ mia mã vạch để xây dựng lưới độ cao Quốc gia là một quyết định có tính chiến lược trong việc đầu tư thiết bị và công nghệ mới vào sản xuất, tạo đà cho việc phát triển bền vững của Công ty trong tình hình mặt bằng công nghệ trong khu vực và trên thế giới đang phát triển rất mạnh, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị của Công ty.

  2. CÔNG NGHỆ GPS

    Đến nay, công nghệ GNSS đã thay thế công nghệ truyền thống trong việc xây dựng lưới tọa độ, đồng thời mở ra nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau vì nó đạt được nhiều tính ưu việt hơn hẳn các phương pháp cũ như độ chính xác cao, thời gian đo nhanh, không phải dựng cột tiêu, ít tốn kém và hầu như thực hiện được trong mọi điều kiện thời tiết. Công nghệ GNSS đã mang lại nhiều hiệu quả khoa học như định vị được với độ chính xác tới milimét, khoảng cách đo được lên tới hàng nghìn km, có thể định vị các đối tượng chuyển động tạo cơ sở khoa học mới cho xây dựng các hệ quy chiếu và hệ tọa độ Quốc gia, quan trắc dịch chuyển lục địa, quan trắc biến động vỏ trái đất, dự báo động đất v.v... Trong tiến trình đổi mới và ứng dụng công nghệ mới của ngành, quá trình đổi mới và ứng dụng công nghệ đo đạc và bản đồ ở Công ty TNHH MTV Tài nguyên và Môi trường Miền nam cũng được đẩy mạnh, đã đạt được những thành tựu và hiệu quả quan trọng. Đó là, Công ty đã hoàn thành việc ứng dụng công nghệ GNSS trong việc xây dựng các mạng lưới khống chế trắc địa. Ban đầu chỉ có 2 đơn vị trực thuộc Công ty có thiết bị và ứng dụng công nghệ GNSS, đến nay tất cả các Xí nghiệp trực thuộc Công ty đã có thiết bị và ứng dụng thành thạo có hiệu quả công nghệ này. Từ năm 1999 đến nay Công ty TNHH MTV Tài nguyên và Môi trường Miền nam là đơn vị duy nhất được giao nhiệm vụ ứng dụng công nghệ GNSS để xây dựng lưới địa chính cơ sở phủ trùm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong vòng 5 năm từ 1999 đến 2003, Công ty đã xây dựng lưới địa chính cơ sở phủ trùm 42 tỉnh với 10.000 điểm.
    Năm 1999, Công ty đã tiến hành thử nghiệm ứng dụng công nghệ DGPS đo động theo công nghệ của OMNISTAR, kết quả thử nghiệm cho thấy công nghệ DGPS sử dụng tín hiệu cải chính phân sai phát từ vệ tinh có thể ứng dụng rất có hiệu quả trong việc đo chi tiết bản đồ địa chính đất lâm nghiệp tỷ lệ 1/5000 và 1/10.000, bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1/10.000.
    Ngoài ra, do điều kiện thời tiết khu vực Miền Tây Nam Bộ trong những năm gần đây không thể bay chụp ảnh hàng không được, để đáp ứng kịp tiến độ cho việc thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý khu vực Cà Mau nói riêng, và cho toàn dự án thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý các thành phố và khu công nghiệp nói chung. Năm 2009 Công ty đã tiến hành thử nghiệm ứng dụng công nghệ LODG sử dụng trạm CORS để thành lập cơ sở nền thông tin địa lý và thành lập bản đồ địa chính. Kết quả thử nghiệm đạt được khi ứng dụng công nghệ LODG sử dụng trạm CORS kết hợp với xây dựng mô hình Geoid địa phương đạt độ chính xác để để thành lập cơ sở nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/2000 trở lên. Về mặt phẳng đạt độ chính xác để lập lưới khống chế đo vẽ, đo chi tiết ranh giới thửa đất phục vụ thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/500 trở lên. Kết quả đạt độ chính xác để thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/2000 trở lên này đã được Cục Đo đạc Bản đồ Việt Nam công nhận và cho phép áp dụng. Kết quả đạt độ chính xác lập lưới khống chế đo vẽ, đo chi tiết ranh giới thửa đất phục vụ thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/500 trở lên đã được Tổng Cục Quản lý Đất đai công nhận và cho phép áp dụng.
    Năm 2011, khi Công ty được giao thực hiện dự án VLAP tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, đối với khu vực trồng cây ăn trái, trồng dừa, thực phủ dày đặc lên đến 90% nếu thực thiện bằng phương pháp toàn đạc thì khó thực hiện được, Công ty đã đưa công nghệ LODG sử dụng trạm CORS vào áp dụng trong thi công và đã thành công. Từ đó đến nay, với công nghệ LODG sử dụng trạm CORS Công ty đã áp dụng cho tất cả các công trình do Công ty tham gia thi công giúp đẩy nhanh tiết độ, tăng năng suất lao động.
2.1. Ứng dụng cụ thể:
- Thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý:
+ Thành lập CSDL nền thông tin địa lý 204 mảnh thuộc TP. Cà Mau ở tỷ lệ 1/2000;
+ Thành lập CSDL nền thông tin địa lý 123 mảnh thuộc TP. Bạc Liêu ở tỷ lệ 1/2000;
+ Thành lập CSDL nền thông tin địa lý 64 mảnh thuộc TP. Bên Tre ở tỷ lệ 1/2000;
+ Thành lập CSDL nền thông tin địa lý 40 mảnh thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang ở tỷ lệ 1/2000;
+ Thành lập CSDL nền thông tin địa lý 37 mảnh thuộc thị xã Châu Đốc và thị xã Hà Tiên tỉnh Kiên Giang ở tỷ lệ 1/2000;
+ Thành lập CSDL nền thông tin địa lý 287 mảnh thuộc tỉnh Bình Dương ở tỷ lệ 1/2000.
- Thành lập bản đồ địa chính:
+ Thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/1000, 1/2000 19 xã thuộc huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long thuộc dự an VLAP.
+ Thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/1000, 1/2000 25 xã thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang thuộc dự an VLAP.
+ Thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/1000, 1/2000 16 xã thuộc huyện Chợ Lách, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre thuộc dự an VLAP.
- Thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/1000, 1/2000, 1/5000 tại hơn 105 xã, phường, thị trấn thuộc các quận, huyện của các tỉnh như: Bình Phước, Tây Ninh, Cà Mau, Bạc Liêu, Lâm Đồng, Long An, Quảng Bình, Đắc Lắc, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Trà Vinh . . .
- Đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận đất hơn 24 Nông lâm trường tại các tỉnh: Bình Phước, Đắc Nông, Đắc Lắc, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Quảng Bình . . .
2.2. Kết quả ứng dụng:
- Sau khi thi công xong các sản phẩm trên đã được các đơn vị kiểm tra nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định.
2.3. Kết luận:
- Bằng những kết quả đạt được trong quá trình thi công, có thể kết luận như sau:
+ Khi ứng dụng công nghệ LODG sử dụng trạm CORS, độ chính xác đảnh bảo yêu cầu theo quy phạm hiện hành để thành lập cơ sở nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/2000 trở lên và Thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/500 trở lên.
+ Rút ngắn thời gian thi công, thao tác đơn giản, giảm thiểu sai số thô, tăng năng xuất lao động.


  3. XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU NỀN THÔNG TIN ĐỊA LÝ VÀ BIÊN TẬP BẢN ĐỒ ĐỊA HÌNH

    Năm 2008, để góp phần thực hiện 2 Dự án của Bộ Tài nguyên và Môi trường về “Thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1/2000, 1/5000 các khu vực đô thị, khu vực công nghiệp, khu vực kinh tế trọng điểm” và “Thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1/10000 gắn với mô hình số độ cao phủ trùm cả nước”, Công ty Tài nguyên và Môi trường miền Nam đã đầu tư thiết bị và nghiên cứu ứng dụng công nghệ số, thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý trên cơ sở công nghệ đo vẽ ảnh số, tổng hợp bản đồ địa chính, bản đồ địa hình đã có kết hợp đo vẽ và điều tra bổ sung tại thực địa. Công ty đã phát triển thành công phần mềm VDHgeoDB, geoCDH, biên tập dữ liệu địa lý gốc và bản đồ địa hình số; chuyển đổi dữ liệu địa lý gốc sang cơ sở dữ liệu GIS theo chuẩn của Bộ. Phần mềm tiên tiến ArcGIS của hãng ESRI để thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý theo quy chuẩn, đã được ứng dụng có hiệu quả trong việc thực hiện Dự án “Thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1/2000, 1/5000 các thành phố: Đồng Hới, Tuy Hòa, Nha Trang, Biên Hòa, Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre, Bạc Liên, Cà Mau; các thị xã: Ba Đồn, Cam Ranh, Long Khánh, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Đồng Xoài; các khu kinh tế Hòn La, Nam Phú Yên” và Dự án “Thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1/10000 gắn với mô hình số độ cao phủ trùm các tỉnh: Nghệ An, Quảng Bình, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu”.
    Xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý và biên tập bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50.000 cho nước bạn Lào. Sản phẩm cơ sở dữ liệu và bản đồ địa hình được biên tập hiển thị trên phần mềm ArcGIS, đánh dấu một bước tiến mới trong việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất.
    Với việc áp dụng quy trình công nghệ này thực tế đã cho thấy thời gian thi công được rút ngắn xuống chỉ còn khoảng 1/3 so với các phương pháp truyền thống trước đây. Cụ thể: Khu vực thành phố Hồ Chí Minh, nếu thi công 1000 mảnh bản đồ địa hình tỷ lệ lớn theo công nghệ truyền thống thì phải mất từ 4-5 năm nhưng khi sử dụng công nghệ này thì thời gian hoàn thành chỉ còn 1 năm rưỡi.
Qua kết quả đã thực hiện được ở các công trình mà Công ty đã thi công có thể thấy rằng việc sử dụng công nghệ này là rất cần thiết và thực tế đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Công ty.


  4. THÀNH LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH CÔNG NGHỆ SỐ

   
   Bản đồ địa chính
    Bản đồ địa chính là một loại bản đồ chuyên môn, phục vụ cho ngành địa chính và quản lý đất đai. Bản đồ địa chính được xây dựng dựa trên cơ sở: các tiêu chuẩn ngành, các văn bản, quy phạm, quy định hiện hành của Tổng cục Địa chính (nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường) và dựa trên kết quả của công tác điều tra khảo sát tại thực địa và các trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ đo đạc tiên tiến hiện nay, nhằm đáp ứng các mục đích sau:
- Xác nhận hiện trạng và thể hiện biến động về ranh thửa, địa giới hành chính.
- Là tài liệu cơ bản phục vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất.
- Làm cơ sở quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch xây dựng và phát triển nhà; Quy hoạch các công trình giao thông, thông tin, thuỷ lợi...
- Quy trình công nghệ thành lập bản đồ địa chính: Khảo sát chuẩn bị tài liệu, thiết bị đo đạc, xác định địa giới xã theo tài liệu 364/CT; Xây dựng lưới khống chế đo vẽ (kinh vĩ cấp 1 và 2, toàn đạc); Xác định ranh đất, đóng cọc mốc giới, lập biên bản ranh thửa đất, điều tra dã ngoại; Đo vẽ chi tiết, vẽ lược đồ, xác định các công trình chính trên thửa đất và các địa vật khác; Chuyển số liệu đo đạc vào máy tính và tiến hành biên tập bản đồ; Kiểm tra bản vẽ gốc ngoại nghiệp, ghép biên cùng tỷ lệ và khác tỷ lệ, chỉnh sửa, in kết quả đo đạc địa chính thửa đất, in bản mô tả ranh giới thửa đất; Biên tập bản đồ địa chính theo địa giới hành chính; In chính thức bản đồ gốc, bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và các loại hồ sơ liên quan.
Bản đồ địa chính công nghệ số có ưu điểm:
1. Các lớp thông tin bản đồ được quản lý thống nhất trong một cơ sở toán học nhất định.
2. Mỗi đối tượng bản đồ được chứa trong một lớp riêng biệt nên thuận lợi cho việc chỉnh sửa cũng như cập nhật dữ liệu.
3. Một bản đồ có thể chứa được nhiều lớp thông tin khác nhau trong cùng một file.
4. Tạo vùng, tính diện tích và vẽ nhãn thửa tự động.
5. Tạo bản đồ, khung bản đồ tự động theo một hệ thống thống nhất trong toàn quốc.
6. Độ chính xác cao.
7. Tiết kiệm được thời gian.
Ngày nay, công tác đo đạc thành lập bản đồ địa chính ở các tỉnh, thành phố trong cả nước phục vụ cho việc quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà đã và đang là nhiệm vụ cấp bách trong toàn Ngành Địa chính. Hiện nay, Công ty đã và đang thành lập bản đồ địa chính cho hầu hết các tỉnh thành trong cả nước.
Công tác đăng ký thống kê phục vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu Nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được tiến hành một cách khoa học trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin. Việc đăng ký được tiến hành trên máy tính nên có những ưu điểm sau:
- Dữ liệu được cập nhật thống nhất.
- Hệ thống hồ sơ, sổ sách, bảng biểu thống kê và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được in ấn tự động đảm bảo chính xác, mỹ quan.
- Hệ thống dữ liệu thuận tiện cho tra cứu, sử dụng và cập nhật.
Công tác này đã được triển khai thực hiện thành công tại nhiều tỉnh như: Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Hoà Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hoà, Bình Định, Bình Phước, Tây Ninh, Đăk Lăk, Đăk Nông, Long An, Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu . . .
   Bản đồ địa chính cơ sở
    Bản đồ địa chính cơ sở được thiết kế phủ trùm toàn tỉnh trên cơ sở các tư liệu ảnh mới nhất hiện có, kết hợp với kết quả khảo sát thực địa. Bản đồ được thành lập theo hệ toạ độ VN-2000, kinh tuyến trục riêng theo từng tỉnh. Đặc biệt bộ bản đồ này được thành lập bằng công nghệ số có độ chính xác đạt cao hơn độ chính xác của bản đồ cùng tỷ lệ đã lập trước đây vừa cho phép in bản đồ trên giấy vừa cho phép sử dụng trên máy vi tính cho nhiều mục đích khác nhau, cho phép xây dựng cơ sở dữ liệu nền chính xác phục vụ việc xây dựng hệ thống thông tin địa lý, đồng thời cũng cho phép cập nhật, hiện chỉnh các nội dung một cách thuận lợi, kinh tế và nhanh chóng hơn các loại bản đồ được thành lập bằng công nghệ cũ. Bản đồ địa chính cơ sở là căn cứ để lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, giúp các cấp, các ngành trên địa bàn các tỉnh quản lý chặt chẽ tài nguyên đất, tài nguyên rừng. Hiện nay Công ty đã thành lập bản đồ địa chính cơ sở cho các tỉnh như: Quảng Bình, Bình Định, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Phú Quốc...

  5.  TRẠM XỬ LÝ ẢNH HÀNG KHÔNG

   
    Các ảnh hàng không được chụp từ máy bay ở một tỷ lệ xác định, sau đó được đưa vào trạm xử lý ảnh (Image WorkStation) dưới dạng ảnh Raster, ảnh này thu được bằng phương pháp quét ảnh từ phim chụp ảnh máy bay. Trên cơ sở các điểm khống chế ảnh mặt phẳng và độ cao được xác định toạ độ, độ cao ngoài thực địa (hiện nay dùng công nghệ GPS và thuỷ chuẩn kỹ thuật), các trạm xử lý tiến hành xử lý ảnh trên các phần mềm chuyên dụng dùng cho ảnh hàng không. Sản phẩm cuối cùng thu được là những tấm ảnh hàng không được nắn chuyển về mặt phẳng ở tỷ lệ xác định, các tờ ảnh đã được khử sai số do khi chụp ảnh gây ra. Ngoài ra, trạm Imagestation còn hỗ trợ các công việc thành lập bản đồ từ ảnh hàng không bằng phương pháp đo vẽ ảnh số và thành lập bình đồ ảnh số phục vụ đo vẽ ảnh nội nghiệp và điều tra thông tin ngoại nghiệp, giúp cho người làm công tác bản đồ giảm thiểu các công tác đo vẽ ngoại nghiệp và tăng năng xuất thành lập bản đồ rất nhiều. Hiện nay Công ty đang sử dụng quy trình xử lý ảnh trên các trạm xử lý ảnh phẳng và ảnh nổi do hãng Intergraph cung cấp. Tóm lại, việc phát triển và ứng dụng thành công các công nghệ đo đạc và bản đồ chủ yếu nêu trên đây đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ, rút ngắn thời gian thi công, đáp ứng các yêu cầu cung cấp tài liệu điều tra cơ bản của ngành Đo đạc và Bản đồ; đồng thời mang lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất của Công ty. Phát huy những thành tựu đã đạt được, Công ty TNHH MTV Tài nguyên và Môi trường miền Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ nhằm góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược của Ngành là: Nâng trình độ công nghệ đo đạc bản đồ nước ta lên ngang trình độ các nước trong khu vực, đảm bảo tự động hoá từ khâu đo đạc số liệu ngoài thực địa tới khâu bản đồ. Xây dựng hệ thống đo đạc bản đồ theo chuẩn thống nhất, đảm bảo cung cấp thông tin nhanh, chính xác cho mọi hoạt động quản lý nhà nước, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ đất nước, nghiên cứu khoa học và nâng cao dân trí; cung cấp tư liệu đo đạc bản đồ cho việc đánh giá chính xác tài nguyên quốc gia, đảm bảo cơ sở khoa học cho việc khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

  6.  Công nghệ chụp ảnh máy bay không người lái - UAV

   
    Thời gian gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ định vị vệ tinh, công nghệ máy bay không người lái (Unmanned Aerial Vehicles-UAV), các thuật toán tự động xử lý ảnh, khôi phục mô hình 3 chiều (Structure-from-Motion, SfM). Qua khảo sát cho thấy công nghệ này đang được ứng dụng thành công và rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như công tác đo đạc thành lập bản đồ, giao thông, sản xuất nông nghiệp, nghiên cứu địa chất và nghiên cứu môi trường. Ngoài việc giá thành tương đối thấp, công nghệ UAV với các máy ảnh phổ thông dễ dàng thu nhận các ảnh số với độ phân giải rất cao (mm, cm), trong điều kiện địa hình phức tạp, môi trường nguy hiểm. Thêm nữa, các phần mềm mã nguồn mở và phần mềm thương mại đều tích hợp các thuật toán SfM, cho phép gần như hoàn toàn tự động xử lý ảnh, xây dựng các sản phẩm bản đồ (mô hình số bề mặt, mô hình số độ cao, bản đồ trực ảnh, bản đồ 3D, video).
    Trên thế giới, việc thành lập bản đồ bằng công nghệ đo ảnh máy bay không người lái (UAV) đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trong ngành Trắc địa - bản đồ, tuy nhiên công nghệ này vẫn là tương đối mới ở Việt Nam.
    Năm 2016, với mục tiêu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới để tăng năng xuất lao động, Công ty đã đầu tư máy bay không người lái UX5-HP của hãng Trimble được trang bị máy ảnh có độ phân giải cao 36 MP (với ống kính 15 mm và 35 mm) dùng để bay chụp ảnh phục vụ thành lập bản đồ. Đặc biệt đây là công nghệ mới cho phép xác định các tâm ảnh độ chính cao (cm) bằng phương pháp GNSS - PPK mà không cần phải đo nối khống chế ảnh.
    Công ty đã nghiên cứu và thực nghiệm kết quả cho thấy, với công nghệ này có thể bay chụp ảnh để thành lập bản đồ địa hình ở tỷ lệ 1/2000 trở lên và thành lập bản đồ địa chính ở tỷ lệ 1/1000 trở lên.
Máy bay không người lái UX5 HP:
+ Nhà sản xuất: TrimBle (Bỉ).
+ Trọng lượng cất cánh tối đa: 2,9 Kg.
+ Số lượng và kiểu loại động cơ: 1/Động cơ điện công suất 1400w,
+ Pin Lipo, 6600 mAh, nguồn điện 14.8 V.
+ Thân của máy bay làm bằng xốp EPP composite siêu nhẹ.
+ Thiết bị chụp ảnh: SONY 36 Mega Pixel.
+ Kích thức: 100 cm x 65 cm x 10,5 cm.
+ Độ cao bay tối đa: 750 m.
+ Tốc độ bay tối đa: 85 km/giờ.
+ Bán kính hoạt động: 52 km.
+ Thời gian hoạt động trên không: 35 phút.
+ Phương pháp định vị và điều hướng máy bay: GNSS.
+ Phương pháp xác định tâm ảnh: GNSS – PPK.

  7.  Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai

   

    Cùng với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội mạnh mẽ của Việt Nam trong những năm gần đây, tài nguyên đất đai dần trở thành nguồn lực, nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhu cầu đối với nguồn tài nguyên đất ngày càng tăng do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, sản xuất lương thực, thực phẩm, từ đó đã tạo nên áp lực ngày càng tăng đối với quỹ đất đai có hạn lại đang chịu ảnh hưởng ngày càng rõ rệt của quá trình thoái hóa đất, biến đổi khí hậu. Thách thức đặt ra đối với ngành quản lý đất đai hiện nay là vừa phải đáp ứng các nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên đất đai phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, đồng thời phải đảm bảo quản lý và bảo vệ tài nguyên đất đai một cách hiệu quả và bền vững.
    Để khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý đó, Đảng và Chính phủ đã có một loạt các quyết sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả và minh bạch của công tác quản lý đất đai thông qua việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai và phát triển, vận hành một hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
    Nhằm đáp ứng yêu cầu trong công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cấp bách như hiện nay, Công ty đã chủ động xây dựng phần mềm “Xây dựng hệ thống thông tin đất đai – SouthLIS” để phục vụ việc xây dựng, vận hành, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu đất đai theo cơ chế một cửa.
- Phần mềm SouthLIS đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công nhận đủ điều kiện ứng dụng trong công tác xây dựng và khai thác dữ liệu đất đai và được công bố cho phép áp dụng đến các tỉnh, thành trong phạm vi cả nước theo thông báo số 5143/BTNMT-CNTT-TCQLĐĐ ngày 20/11/2014.
- Phần mềm SouthLIS được Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy chứng nhận Đăng ký quyền tác giả ngày 05/02/2015.
- Phần mềm SouthLIS được xây dựng với đầy đủ các công cụ và chức năng, giải quyết hầu hết các yêu cầu về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai và hỗ trợ cung cấp nhiều dịch vụ trong lĩnh vực đất đai. Bao gồm:
+ Công cụ phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu từ các nguồn dữ liệu khác nhau;
+ Công cụ hỗ trợ quản lý hệ thống, phân nhóm, phân quyền người dùng, sao lưu và phục hồi dữ liệu;
+ Các công cụ phục vụ kê khai đăng ký, chỉnh lý biến động, in giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, lưu trữ lịch sử thửa đất, khai thác thông tin đất đai;
+ Các công cụ trợ giúp tra cứu, tìm kiếm thông tin, thống kê đất đai, tổng hợp sổ sách, báo cáo, cung cấp nhiều thông tin khác về đất đai;
+ Công cụ phân tích dữ liệu đất đai hỗ trợ cho Lãnh đạo ra các quyết định liên quan đến đất đai;
+ Các chức năng luân chuyển, xử lý hồ sơ theo mô hình một cửa vận hành đồng bộ thống nhất, đảm bảo cập nhật kịp thời các biến động đất đai để hệ thống hồ sơ địa chính số luôn phản ánh đúng hiện trạng;
+ Nhập, cập nhật và quản lý các thông tin hạn chế, ngăn chặn trong quá trình sử dụng và quản lý đất; hỗ trợ phát hiện, thông báo và ngăn chặn những hồ sơ không đủ điều kiện pháp lý;
+ Nhập và quản lý các thông tin về nghĩa vụ tài chính, nâng cao hiệu quả trong quản lý về đất đai;
+ Chức năng quản lý về không gian địa chính, không gian biến động thửa đất;
+ Phân hệ xây dựng và quản lý thông tin về hồ sơ quét;
+ Trang thông tin đất đai điện tử: Hỗ trợ cung cấp nhiều thông tin cho người dân mà không cần phải đến văn phòng đăng ký đất đai như: tra cứu tình hình thụ lý, giải quyết hồ sơ của người dân, tra cứu tình trạng thế chấp, tra cứu các thông tin về thửa đất.... thông qua mạng WAN/internet.
- Công nghệ xây dựng phần mềm:
+ CSDL thuộc tính được lưu trữ và quản trị trên Hệ quản trị Cơ sở dữ liệu Microsoft SQL Server 2008 hoặc cao hơn;
+ Dữ liệu không gian được xây dựng và lưu trữ theo công nghệ của hãng ESRI (Mỹ) – khuôn dạng geoDatabase, SDE;
+ Phần mềm hệ thống Microsoft Windows Server; Môi trường lập trình .NET của Microsoft.
+ SouthLIS sử dụng phông chữ tiếng Việt, chuẩn Unicode;
+ Hệ thống hoạt động theo mô hình khách - chủ (Client - Server) và Web;
+ Vận hành thông qua hệ thống mạng cục bộ (LAN) hoặc qua mạng diện rộng (WAN/internet/kết nối VPN).


  8.  Đo Trọng lực

   
    Tháng 12 năm 2016, Công ty được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao nhiệm vụ “Xây dựng điểm trọng lực gốc, điểm trọng lực hạng I, II, III và trọng lực chi tiết, xây dựng mạng lưới độ cao hạng I bổ sung và đo lưới GPS thủy chuẩn quốc gia Campuchia”. Để triển khai nội dung công việc, sau khi nghiên cứu, Công ty đầu tư máy đo trọng lực tương đối CG5 của hãng Scintrex Canada. Máy có độ chính xác ± 5 microGal, độ phân giải đọc số 1 microGal. CG5 là loại máy đo trọng lực có độ chính xác cao nhất hiện nay ở Việt nam. Máy có độ trôi nhỏ hơn 20 microGal/ ngày, tự động cải chính thuỷ triều, máy nghiêng, nhiệt độ, độ ồn, lọc địa chấn.
    Máy CG5 ngoài việc dùng để thành lập mạng lưới trọng lực quốc gia, nó còn rất hữu ích trong công tác đo chi tiết lập bản đồ dị thường trọng lực tỷ lệ lớn phục vụ thăm dò địa chất khoáng sản, xác định các đứt gẫy địa chất, hang động caster và khảo cổ.
    Công ty đã đo thử nghiệm, xây dựng xong bãi kiểm nghiệm ở Lâm Đồng, đã hoàn tất quy trình đo và quy trình kiểm nghiệm máy. Kết quả thực nghiệm cho thấy, máy đo trọng lực tương đối CG5 đảm bảo độ chính xác để thành lập lưới Trọng lực cơ sở trở xuống.
Máy đo Trọng lực tương đối CG5 Autograv:
+ Hãng sản xuất: Scintrex – Canada;
+ Loại cảm biến: Thạch anh nóng chảy;
+ Độ phân giải đọc số: 1 µgal;
+ Độ chính xác đo lặp tiêu chuẩn: < 5 µgal;
+ Dải đo: 8000 mgal không cần đặt lại;
+ Độ trôi dài hạn còn dư: < 20 µgal/ ngày;
+ Dải tự động bù độ nghiêng máy: ± 200 arcsec;
+ Kích thước: 31x22x21 cm; nặng 8 kg (cả pin);
+ Pin sạc thông minh 2x6 Ah (10.8V) loại litium–Ion.
+ Công suất tiêu thụ: 4,5 W ở nhiệt độ 25 ºC;
+ Thẻ nhớ: 12 Mbytes; Cổng xuất dữ liệu RS-232; Bàn phím: 27 phím;
+ Màn hình VGA 320x240 pixels;
+ GPS: Nối với anten GPS thông minh thu được 12 kênh, thông qua cổng RS-232. Độ chính xác tiêu chuẩn <15m, DGPS < 3 m;
+ Tự động cải chính thủy triều, máy nghiêng, nhiệt độ, độ ồn, lọc ồn địa chấn và cải chính địa hình gần theo biểu đồ Hammer.

  9.  Lĩnh vực môi trường

   
    Hiện nay, các hoạt động dân sinh, phát triển KTXH có xu hướng tập trung phát triển dọc theo các lưu vực sông đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường nước như ô nhiễm nguồn nước, ngập lụt tại các đô thị. Tình trạng ô nhiễm môi trường nước đã xảy ra tại hầu hết các lưu vực sông của Việt Nam như sông Sài Gòn – Đồng Nai, sông Thị Vải, sông Nhuệ, Đáy … Quản lý lưu vực sông (QLLVS) cần có sự phối hợp đồng bộ giữa tất cả các quốc gia, địa phương cùng dòng sông chảy qua. Trong những năm qua với nỗ lực tự nghiên cứu, phát triển và hợp tác quốc tế, Trung tâm Kỹ thuật Môi trường trực thuộc Công ty đã ứng dụng thành công 8 công cụ quản lý lưu vực sông và các phần mềm đánh giá khả năng chịu tải của sông phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên và môi trường các lưu vực sông như: hạ lưu sông MeKong, sông Maspero tỉnh Sóc Trăng, sông Ba Láng tỉnh Hậu Giang, sông Hàm Luông tỉnh Bến Tre…
    Trước tình hình biến đổi khí hậu và xâm nhậm mặn ngày càng gia tăng dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, Trung tâm Kỹ thuật Môi trường đã áp dụng công nghệ lọc màn để xử lý nước nhiễm mặn thành nước ngọt cung cấp cho các khu dân cư ven biển tại tỉnh Bến Tre. Ngoài ra, để kiểm soát chất thải nguy hại ngày càng gia tăng cũng như xử lý các khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng, Trung tâm Kỹ thuật Môi trường đã ứng dụng công nghệ xử lý chất thải nguy hại bằng phương pháp tái sinh và tiêu hủy cho các khu và cụm công nghiệp tại tỉnh Long An và vùng lân cận. Ứng dụng công nghệ hóa sinh để xử lý thành công nước rỉ rác cho các bãi rác tại các huyện thuộc tỉnh Bến Tre, Hậu Giang…và công nghệ sinh học cao tải (dạng module) để xử lý nước thải bệnh viện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang…
    Ngoài ra, để phục vụ cho công tác quản lý và truy xuất dữ liệu về tài nguyên và môi trường được dễ dàng, nhanh chóng và thuận lợi, Trung tâm Kỹ thuật Môi trường đã nghiên cứu và xây dựng phần mềm quản lý CSDL tài nguyên và môi trường (E.Map), phần mềm quản lý số liệu quan trắc môi trường (EM.Map) phục vụ cho các dự án tại tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau...

  10.  Tài nguyên nước

   
    Nước - nguồn tài nguyên thiết yếu cho cuộc sống của con người, sự phát triển bền vững của mọi quốc gia và là ưu tiên hàng đầu để phát triển bền vững. Nước là yếu tố cơ bản không thể thiếu trong việc duy trì sự sống và mọi hoạt động của con người trên hành tinh. Việc đáp ứng nhu cầu về nước đảm bảo cả về chất lượng và số lượng là một điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững.
    Ở Việt Nam, tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với phát triển bền vững đã có sự chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động. Theo đó, đã đặt ra yêu cầu phải quản lý bền vững và hiệu quả hơn các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; quản lý tài nguyên nước phải theo phương thức tổng hợp, sử dụng đa mục tiêu và phải gắn với các tài nguyên thiên nhiên khác. Công tác quản lý tài nguyên nước không ngừng được tăng cường và đã có những bước tiến quan trọng từ trung ương đến địa phương. Cùng với xu hướng phát triển trên, Công ty đã cùng với một số địa phương xây dựng các Quy hoạch tài nguyên nước nhằm khai thác, sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên nước phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững. Một số dự án tiêu biểu đó là “Quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Bình Phước đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” và dự án “Quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước mặt tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”.
Nhằm phục vụ cho nội dung các dự án, đề tài liên quan lĩnh vực tài nguyên nước, Công ty đã ứng dụng kỹ thuật mô hình toán như đánh giá thủy văn lưu vực, tính toán cân bằng nguồn nước, mô phỏng lan truyền ô nhiễm, mô phỏng các kịch bản quy hoạch … Những phần mềm mô hình toán đã được ứng dụng:
+ Mike by DHI (Mike NAM, Mike 11): tính toán chế độ thủy văn và mô phỏng diễn biến chất lượng nước sông kênh.
+ SHADM đánh giá khả năng chịu tải trên sông.
+ CROPWAT và SWAT tính toán cân bằng nước theo các kịch bản phục vụ cho quy hoạch tài nguyên nước.

  11.  Các loại máy móc thiết bị hiện đại

11.1 Máy móc, thiết bị
- Các trạm đo vẽ ảnh số loại SSK Pro với tính năng như sau: Pentium IV 2.6GHz, RAM 1000 MB, Monitor 21 inch; ổ cứng 120Gb.
- Máy quét ảnh độ phân giải cao:
+ SKAI - 2 độ phân giải 7µm, 14, 21...
+ PS1 độ phân giải 7,5µm, 15, 22.5...
- Các trạm máy tính để biên tập bản đồ;
- Máy in khổ A0;
- Hệ thống xử lý ảnh nổi, hệ thống xử lý ảnh phẳng;
- Hệ thống quản lý và lưu trữ thông tin;
- Hệ thống định vị toàn cầu GNSS, DGPS:
+ Các thiết bị GNSS đo tĩnh: 4000SE, 4000 SI; 4000 SSE, 4000 SSI, 5700, 5800 của hãng TRIMBLE.
+ Các thiết bị GNSS đo động (RTK): 4600 LS; 4800 LS, 5700 LS của hãng TRIMBLE.
+ Thiết bị định vị DGPS: máy SeaSTAR HP8300 của hãng FUGRO.
+ Thiết bị định vị GNSS bằng công nghệ LODG.
- Thiết bị đo sâu: máy NAVISOUND 210 của hãng RESON –USA;
- Máy thuỷ chuẩn điện tử của Nhật: DL-101C, DL-501/E, DNA-03 (đo thủy chuẩn hạng 1, 2, 3, 4);
- Các loại máy toàn đạc điện tử có độ chính xác cao của các hãng sản xuất nổi tiếng trên thế giới cung cấp: TOPCON; SOKKIA; LEICA; NIKON, SOUTH.
- Máy toàn đạc điện tử độ chính xác cao không gương của hãng TOPCON: ES-103, ES-105.
- Máy bay không người lái UX5 - HP của hãng Trimble (Bỉ).
- Máy đo Trọng lực tương đối CG-5 AutoGray của hãng Scintrex (Canada).
- Các loại máy móc, thiết bị phục vụ quan trắc, phân tích mẫu môi trường:
+ Máy sắc ký khí ghép khối phổ (GC-MS);
+ Máy quang phổ hấp thu nguyên tử (AAS);
+ Máy quang phổ UV/VIS;
+ Máy quang phổ phân tích nước hiện trường;
+ Máy đo nồng độ bụi;
+ Máy phát hiện khí độc;
+ Thiết bị đo khí thải …
11.2. Phần mềm
a) Phần mềm dùng cho sản xuất:
- Phần mềm đo vẽ ảnh số;
+ Image Station Photogrammetric Manager (ISPM)
+ Image Station Stereo Display (ISSD)
+ Image Station DTM Collection (ISDC)
+ Image Station Feature Colletion (ISFC)
+ MicroStation CAD Graphic Engine
+ GeoMedia Professional
+ Image Station Model Setup
+ Image Station OrthoPro
+ MGE Terrain Analyst
+ IRAS/C
- Phần mềm tăng dày: Image Station Automatic Triangulation;
- Phần mềm tạo DEM: Image Station DTM Collection;
- Phần mềm nắn ảnh trực giao: Image Station OrthoPro, GeoMedia Professional;
- Phần mềm xử lý số liệu đo GNSS: TRIMBLE GEOMATICS OFFICE, TRIMBLE BUSINESS CENTER, GPSBase, SOUTH GNSS Processor v.v...;
- Các phần mềm số hóa và biên tập các loại bản đồ và viết giấy chứng nhận: FAMIS-CADDB, CESMAP, CESTOPO, VDHgeoDB, geoCDH, MAPPING OFFICE, MGE, ACADMAP, SDR, MICROSTATION, MicroGCNs (V7);
- Phần mềm đăng ký thống kê và chỉnh lý biến động CESDATA;
- Phần mềm xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS): GEOMEDIA, ArcGIS, ArcSDE, ArcIMS v.v...;
- Phần mềm tính toán bình sai lưới đa giác;
- Phần mềm bình sai lưới độ cao;
- Phần mềm kiểm tra sổ thủy chuẩn;
- Phần mềm kiểm tra và tổng hợp kết quả đo GPS;
- Phần mềm thành lập bản đồ địa hình đáy biển và dẫn đường: HYDRO 6.07 trên môi trường DOS, trên môi trường Windows có HYDROPRO 2.2.
- Phần mềm xử lý ảnh máy bay không người lái TRIMBLE BUSINESS CENTER.
- Phần mềm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai SouthLiS.
- Phần mềm xử lý ảnh Hồ sơ đất đai CesImage.
b) Phần mềm dùng cho quản lý:
- Phần mềm Quản lý nhân sự;
- Phần mềm Quản lý tư liệu bản đồ;
- Phần mềm Quản trị tài chính kế toán
- Phần mềm Quản lý kế hoạch sản xuất

  Bấm vào đây để về đầu trang

HỘP THƯ
 
User: 
Password: 
 
 
Hộp thư yahoo.com    
Công ty TNHH MTV Tài nguyên và Môi trường miền Nam
Số 30 đường số 3, khu phố 4, phường An Khánh, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 37404172       Fax:    028.37408538     Email:     tmn@monre.gov.vn
Copyright © 2006 CERS Software Group. All rights reserved